Giáo dục lịch sử địa phương
Trường THCS&THPT Võ Thị Sáu: Chú trọng công tác giáo dục lịch sử, địa lý địa phương và tích hợp liên môn
Thực hiện kế hoạch giáo dục năm học 2017-2018, trường THCS&THPT Võ Thị Sáu đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các nội dung giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong đó một trong những nội dung giáo dục quan trọng mà hiện nay một số trường chưa thực sự quan tâm, đó chính là tích hợp liên môn và giáo dục lịch sử, địa lý địa phương cho học sinh.
Để thực hiện và chuẩn bị tốt các nội dung giáo dục lịch sử, địa lý địa phương, tổ Sử - Địa – Ngoại ngữ của trường đã tham mưu và thực hiện chuyên đề “Bồi dưỡng kiến thức lịch sử, địa lý địa phương cho học sinh”.
Học sinh chăm chú theo dõi và trả lời các câu hỏi
Ngày 26-01-2018, tổ Sử - Địa – Ngoại ngữ đã tổ chức thực hiện chuyên đề trong tiết học. Chuyên đề được tổ chức dưới dạng trò chơi giữa các nhóm trong lớp gồm 3 phần: Phần khởi động: Trả lời các câu hỏi trắc nghiệm; phần thi tăng tốc trả lời các câu hỏi tự luận dưới dạng hiểu biết của bản thân; phần thi về đích học sinh được trình bày về 1 địa danh, di tích lịch sử mà các nhóm lựa chọn.
Nội dung các câu hỏi xoay quanh các nhóm kiến thức liên quan đến các sự kiện, địa danh, di tích lịch sử của tỉnh Bình Phước, các điều kiện về địa lý của địa phương. Thông qua cuộc thi, học sinh có cơ hội được tìm tòi, khám phá và ghi nhớ các thông tin bổ ích về quê hương mình, giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Giáo viên có cơ hội được giáo dục sâu hơn về tình yêu quê hương đất nước Việt Nam nói chung, các truyền thống anh hùng, các danh lam, thắng cảnh… của tỉnh Bình Phước nói riêng, học sinh có ý thức và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Việc đưa vào thực hiện chuyên đề giáo dục địa phương thông qua việc cho học sinh tự tìm hiểu và tổ chức dưới hình thức trò chơi đã tạo nên một không khí dạy học hết sức sinh động, nhẹ nhàng, hấp dẫn và truyền tải được được nhiều kiến thức bổ ích. Sau khi tham gia cuộc thi, các em học sinh đã nhận được nhiều phần quà từ Ban tổ chức.

Đại diện Ban giám hiệu và tổ trao quà cho đại diện các nhóm học sinh đạt giải
Chuyên đề đã thực hiện rất thành công và đã rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích cho các tổ khác thực hiện các chuyên đề giáo dục liên quan. Đặc biệt các thầy cô làm công tác giáo dục lịch sử, địa lý có thêm kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://truongcap2-3vothisau.edu.vn là vi phạm bản quyền